Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
TRUYỀN THỐNG

Xã Vũ Minh được thành lập theo Nghị quyết 864/NQBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Cao Bằng trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số xã Thái Học, xã Minh Thanh và 02 xóm (Tà Sa, Pù Lầu của xã Bắc Hợp cũ). Tên gọi xã Vũ Minh được đặt theo bí danh của ông Hoàng Văn Tặng, Chủ nhiệm đầu tiên Ban Việt Minh xã Minh Thanh, được kết nạp vào Đảng Cộng sản tháng 10/1943.

Xã Thái Học (cũ) có 100% là người Dao đỏ với bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện trong nghi lễ cưới hỏi, mừng thọ, tang ma.  

Người Dao đỏ ở Thái Học tổ chức đám cưới theo phong tục riêng biệt. Họ thách cưới bằng bạc trắng, tùy theo điều kiện kinh tế của từng nhà mà bạc có thể nhiều ít khác nhau. Trong lễ cưới của người Dao đỏ, chú rể và bố mẹ chồng không đi đón dâu. Đoàn đón dâu gồm một tốp năm người 01 người thổi kèn đi trước và đội trống thổi kèn, chũm chọe đi sau. Đoàn đưa dâu bên nhà gái dậy từ rất sớm (khoảng 3 – 4 giờ sáng). Đoàn đưa dâu gồm bố mẹ cô dâu, một người dắt cô dâu và một số họ hàng, bè bạn của cô dâu. Cô dâu đến nhà chồng chỉ đem theo của hồi môn là một chiếc hòm đựng vài vật dụng để thêu thùa cùng vài bộ quần áo. Về đến sân nhà trai, đoàn kèn và chũm chọe lượn tròn xung quanh đoàn nhà gái thể hiện sự vui mừng và kính trọng nhà gái. Hai họ cùng cúi chào nhau rồi vào nhà làm lễ. Bàn thờ được dựng giữa nhà, trên bày con gà trống luộc, một chai rượu, bốn chén rượu, một chén nước cùng hai cái chén không, giữa có một bát tro bếp, một nhúm gạo, một bộ quần áo mới. Điều đặc biệt là người Dao đỏ rất quý và tôn trọng nhà gái. Khách khứa bên nhà trai nhường để họ nhà gái vào ăn cỗ trước. Chỉ khi nào đoàn đưa dâu ăn uống xong thì họ nhà trai mới ngồi vào mâm ăn cỗ.

Trước kia người Dao phổ biến nạn tảo hôn, con cái bị cha mẹ dựng vợ gả chồng từ rất sớm. Nay, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và nhờ tiếp thu tư tưởng tiến bộ... nên thanh niên người Dao ở Thái Học đã được bình đẳng, tự do tìm hiểu và đăng ký kết hôn đúng tuổi theo quy định của pháp luật.

Người Dao đỏ Thái Học (cũ) không tổ chức lễ mừng thọ như dân tộc Tày, Nùng. Đối với những gia đình khá giả, kinh tế ổn định, họ tổ chức sinh nhật hàng năm bằng việc mổ lợn, đồ xôi để mời họ hàng làng xóm, bè bạn thân thích đến dự.

Về tang chế của người Dao đỏ cũng có nhiều sự khác biệt so với người đồng tộc ở Cao Bằng. Khi gia đình có người chết, thầy cúng được mời đến để xem ngày lành tháng tốt rồi tổ chức an táng. Người chết không để trong nhà quá hai ngày. Trong lễ tang, người Dao đỏ ăn chay. Sau khi an táng xong, gia chủ thịt một con lợn khoảng 60 kg làm bữa cơm mời họ hàng làng xóm đến để cảm ơn. Trong vòng 40 ngày sau đám tang, con cháu trai trong gia đình không được ngồi ghế mà phải trải chiếu ngồi dưới đất.

Về Lễ hội, hằng năm, người Dao đều tổ chức lễ hội mừng xuân vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch ngay tại trung tâm xã để nhân dân đến vui chơi. Trong lễ hội diễn ra một số trò chơi dân gian như hát giao duyên, tung còn, kéo co, đẩy gậy, đá bóng… thu hút nhiều nam nữ thanh niên trong xã đến tham gia.

Xã Minh Thanh (cũ) đồng bào Tày - Nùng chiếm đa số. Đồng bào Tày Nùng ở Minh Thanh định cư ở đây từ lâu đời, có một số ít người dân tộc Nùng ở các huyện biên giới chạy loạn đến sau. Đồng bào Dao đỏ đã đến đây sinh sống muộn hơn, từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đồng bào Mông chiếm tỷ lệ ít trong kết cấu dân cư ở Minh Thanh. Dân tộc Mông định cư ở đây tương đối sớm, vào khoảng thế kỷ XVIII. Đồng bào sinh sống chủ yếu trên các triền núi cao, sản xuất chủ yếu là trồng ngô. Dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ rất ít so với tổng dân số của xã, họ đến đây chủ yếu do có vợ hoặc chồng định cư ở đây.

Là xã có địa hình, địa thế núi đồi hiểm trở, có nhiều hang động và các cao điểm để quan sát, đường giao thông đi lại thuận lợi; lại giáp danh với các huyện Hà Quảng, Hòa An nên trong những năm đấu tranh giành chính quyền cũng như những năm kháng chiến chống Pháp, xã Minh Thanh trở thành vùng an toàn khu (ATK) của cách mạng (được công nhận năm 2016). Trên địa bàn xã Vũ Minh ngày nay còn lưu giữ nhiều di tích, địa danh liên quan đến lịch sử địa phương cũng như lịch sử dân tộc.

Di tích lịch sử hang Cao (xóm Nà Khoang), hang Thẳm Loỏng (xóm Vũ Ngược). Đây là nơi Ngân hàng Trung ương sơ tán, hoạt động trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày 27/7/2001, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số 1204/QĐ.VX-UB xếp hạng hang Cao, hang Thẳm Loỏng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Vũ Minh, còn có các di tích gắn với lịch sử địa phương, như:

Hang Bó Rẹc (xóm Bản Hỏ, xã Minh Thanh cũ): Là nơi Bác Hồ và đồng chí Phạm Văn Đồng nghỉ chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào.

Địa danh Thôm Rộc (xóm Bản Hỏ, xã Minh Thanh cũ): Nơi cơ quan Huyện ủy Nguyên Bình và các tổ chức hội, ban Việt Minh hoạt động, nơi đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ huy, bàn bạc trận đánh Nà Đang xóm Nà Khoang.

Dẻ Cao (xóm Nà Khoang): Là nơi dừng chân nghỉ ngơi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng thời, nơi này còn làđường liên lạc của đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Hà Quảng sang xã Tam Kim.

Nà Thán (Pù Tậu), xóm Nà Roỏng: Nơi tổ chức Mít tinh; nơi ở hoạt động của ông Lê Đoàn - một trong những cán bộ lão thành cách mạng của tỉnh Cao Bằng;

Thẳm Sưa (Kéo Lỷ), xóm Nà Luộc: Nơi ở và hoạt động của ông Lê Đoàn; trạm nghỉ chân của đồng chí Phạm Văn Đồng, bà Hoàng Thị Lập, Hoàng Đình Giong.

Tàng Đeng xóm Nà Khoang: Nơi du kích chặt cây to xuống đường không cho xe pháp chở vũ khí vào đàn áp công nhân Mỏ thiếc Tĩnh Túc.

Bó Ca xóm Vũ Ngược: Trận địa đánh quân Pháp của du kích huyện và du kích xã do Đại tướng Chu Huy Mân chỉ huy.

Nhà máy thủy điện Tà Sa: Công trình thủy điện đầu tiên tại Đông Dương nơi có con em xóm Tà Sa tham gia hoạt động cách mạng. Đây cũng là trạm liên lạc từ Lũng Dẻ (Trương Lương, Hòa An) sang huyện Nguyên Bình và các huyện miền tây của tỉnh Cao Bằng.

Tin khác
Tin tức
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang