ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Xã
Vũ Minh là xã vùng cao thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Xã có vị trí:
Phía Đông giáp xã Trương Lương huyện Hoà An và xã Minh Tâm; Phía Tây giáp thị
trấn Nguyên Bình; Phía Bắc giáp xã Thanh Long huyện Hà Quảng; Phía Nam giáp xã Tam
Kim và xã Hoa Thám.
Xã Vũ Minh được
thành lập theo Nghị quyết 864/NQBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc
hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Cao Bằng
trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số xã Thái Học, xã Minh Thanh và 02
xóm (Tà Sa, Pù Lầu của xã Bắc
Hợp cũ). Tên gọi xã Vũ Minh được đặt theo bí danh của ông Hoàng Văn Tặng, Chủ
nhiệm đầu tiên Ban Việt Minh xã Minh
Thanh, được kết nạp vào Đảng Cộng sản tháng 10/1943.
Xã Vũ Minh nằm ở phía
Đông Bắc huyện Nguyên Bình, cách trung tâm huyện 9 km, với tổng diện tích tự
nhiên là 5.285,21 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 908,19 ha; đất lâm
nghiệp 4052,56 ha; đất nuôi trồng thủy sản 1,55 ha; đất phi nông nghiệp 202,53
ha; đất chưa sử dụng 120,37 ha.
Địa hình của xã bị chia
cắt bởi các dãy núi đá và núi đất. Hướng dốc từ phía Bắc và phía Nam thấp dần
xuống sông Nguyên Bình.
Trên
địa bàn xã Vũ Minh có sông Nguyên Bình chảy qua. Dọc sông Nguyên Bình là vùng đất
thấp thích hợp với sản xuất nông nghiệp. Phía Bắc của xã có địa hình bị chia cắt
bởi các dãy núi đá vôi cao và độ dốc lớn nên nguồn nước khan hiếm, chỉ có thể
trồng những cây ngô, màu, hầu như không thể trồng được lúa.
Về khí hậu, xã Vũ Minh
có khí hậu nhiệt đới gió mùa, phân thành 2 mùa rõ rệt. Mùa đông lạnh ít mưa kéo
dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình 130C, có
sương mù và sương muối. Mùa hè nóng, mưa nhiều kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9,
nhiệt độ trung bình 24,30C - 35,50C.
Xã Vũ Minh là xã có địa
hình rất đa dạng nên việc phân bố dân cư không đồng đều, các xóm ở vùng thấp
nhân dân sống tập trung, các xóm ở vùng núi cao dân sống rải rác, phân bố thành
cụm nhỏ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc khai đất lập làng
phát triển cộng đồng dân cư đông đúc từ buổi đầu của lịch sử dân tộc.
Trước đây, giao thông của
Vũ Minh hết sức khó khăn. Người dân đi lại thông qua các con đường mòn theo
vách núi. Vào mùa mưa lũ, đường lầy lội, sạt lở cản trở việc lưu thông của nhân
dân trong toàn xã. Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo
sát sao của Đảng bộ và chính quyền địa phương, Vũ Minh có hệ thống đường liên
thôn, liên xã thuận lợi; ô tô đến tận các xóm, từ đó, người dân địa phương có
thể tiếp cận với Quốc lộ, lưu thông với các địa phương trong tỉnh và cả nước, tạo
điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng
bào các dân tộc ở địa phương.
Vũ Minh có 5 dân tộc
cùng chung sống lâu đời đó là Dao, Tày, Nùng, Mông, Kinh. Thời điểm năm 2020,
Vũ Minh có tổng số 798 hộ với 3.795 nhân khẩu. Dân tộc Dao có 430 hộ chiếm tỉ lệ
53,59% dân số; Dân tộc Tày có 299 hộ chiếm 37,7%; Dân tộc Mông 62 hộ, chiếm chiếm
7,8%; Dân tộc Nùng 7 hộ, chiếm 4,66%. Mỗi một dân tộc ở Vũ Minh đều có nét sinh
hoạt văn hóa đặc sắc.
Kinh
tế truyền thống của Vũ Minh trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chủ yếu là kinh
tế nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và một số nghề phụ khác, mang tính tự
cung tự cấp. Các nguồn tài nguyên rừng, khoáng sản, đất đai,... chưa được khai
thác. Nhân dân bị áp bức bóc lột nặng nề, quanh năm không đủ ăn, thiếu đói thường
xuyên, nhất là thời vụ giáp hạt và những năm bị thiên tại, dịch bệnh.
Ngày nay, trên địa bàn
xã, ngành nghề chính chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và một số loại cây màu
truyền thống như khoai, lạc, các loại rau xanh... Hệ thống thủy lợi được đầu tư
xây dựng, hệ thống kênh mương nội đồng về cơ bản đã được kiên cố hóa, đáp ứng
80% diện tích tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp nên sản xuất nông nghiệp của
Vũ Minh có nhiều thuận lợi. Hiện nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã được dùng điện
lưới quốc gia, 96% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn, nhân dân sử dụng nước
sinh hoạt chủ yếu là giếng khoan, nước khe mó đảm bảo an toàn vệ sinh. Bên cạnh
đó, hệ thống giao thông cũng tương đối thuận lợi, trên địa bàn xã có hệ thống
đường trục chính, đường liên xóm đã được bê tông
hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại sản xuất của nhân dân trên địa bàn
xã các khu vực lân cận.
Nhìn chung, trong những
năm gần đây đời sống kinh tế của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập
bình quân đầu người năm 2021 đạt 16 triệu đồng/người/năm. Nguồn thu nhập chính
của nhân dân trong xã chủ yếu từ trồng trọt chiếm 63% tổng thu nhập của xã; thu
nhập từ chăn nuôi chiếm 3,5%; thu từ tiền lương, tiền công và các khoản thu
khác chiếm 33,5% tổng thu của xã.
Trên địa bàn xã có 5
trường học, trong đó có 2 trường tiểu học (Tiểu học Minh Thanh, Tiểu học Thái Học),
1 trường trung học cơ sở Minh Thanh, 1
trường Mầm non Minh Thanh. Toàn xã có 12/12 xóm có nhà văn hóa; có 1 sân chơi thể
thao, Khu vui chơi người cao tuổi và trẻ em. Tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sinh
hoạt hợp vệ sinh đạt 95%.
Công
tác y tế, dân số, chăm sóc sức khỏe được đảm bảo, cơ sở vật chất, thiết bị y tế
còn khó khăn nhưng công tác phòng chống dịch bệnh luôn được chủ động, bên cạnh
đó công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được chăm lo thường xuyên.
Như vậy, có thể thấy, trong quá trình lao động sản xuất, cộng đồng các
dân tộc vùng đất Vũ Minh ngày nay đã hình thành, vun đắp nhiều giá trị văn hóa
tốt đẹp. Những nét văn hóa đó không chỉ thể
hiện sự đa dạng và phong phú trong bản sắc văn hóa địa phương mà còn là động lực
góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương qua các thời kỳ lịch sử.![]()
![]()